DANH MỤC NGHỀ NẶNG NHỌC, ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM MỌI NGƯỜI CẦN BIẾT

Thứ sáu - 23/02/2024 10:16 95 0
THÔNG TƯ BAN HÀNH BỔ SUNG DANH MỤC NGHỀ, CÔNG VIỆC NẶNG NHỌC, ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM VÀ NGHỀ, CÔNG VIỆC ĐẶC BIỆT NẶNG NHỌC, ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM

     Ban biên tập xin giới thiệu tới độc giả Danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mới nhất, từ đó làm cơ sở để được hưởng thêm các quyền lợi về lao động, bảo hiểm xã hội.
     
Từ ngày 29/12/2023  Thông tư 19/2023/TT-BLĐTBXH có hiệu lực, danh mục nghề có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được áp dụng theo Thông tư này.
     So với quy định trước đây, danh mục nghề có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã được bổ sung thêm số lượng đáng kể các nghề, công việc; được chia theo từng lĩnh vực cụ thể và phân loại theo điều kiện lao động loại IV, V, VI. Thông tư mới chỉ rõ công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm thì tương ứng với điều kiện lao động nào.

Quyền lợi khi làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được hưởng thêm nhiều quyền lợi so với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường. Cụ thể:

* Điều kiện lao động:

Về thời gian làm việc:

Người lao động được đảm bảo giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.

Căn cứ: Khoản 3 Điều 105 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019

Về nghỉ hằng năm:

Theo khoản 1 Điều 113 BLLĐ năm 2019, người lao động làm đủ 12 tháng cho người sử dụng lao động được nghỉ hằng năm hưởng nguyên lương như sau:

- 14 ngày làm việc: Người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

- 16 ngày làm việc: Người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Trong khi đó, người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Quyền lợi riêng của một số đối tượng:

- Lao động nữ mang thai: Được giảm bớt 01 giờ làm việc/ngày hoặc chuyển công việc nhẹ hơn.

Tại khoản 2 Điều 137 BLLĐ năm 2019, lao động nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động thì được chuyển làm việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc/ngày cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Lao động cao tuổi: Chỉ được sử dụng lao động cao tuổi khi đảm bảo điều kiện an toàn.

Nội dung này được ghi nhận cụ thể trong khoản 3 Điều 149 BLLĐ năm 2019:

Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.

- Lao động là người khuyết tật: Chỉ được sử dụng người khuyết tật làm công việc này nếu họ đồng ý.

Cụ thể, khoản 2 Điều 160 BLLĐ năm 2019 nghiêm cấm hành vi sử dụng người lao động là người khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành mà không có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó.

* Chế độ hưu trí:
Theo khoản 3 Điều 169 BLLĐ năm 2019, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định.

* Chế độ ốm đau:

Theo Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưởng chế độ với số ngày:

- 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm (điều kiện bình thường là 30 ngày);

- 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - dưới 30 năm (điều kiện bình thường là 40 ngày);

- 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên (điều kiện bình thường là 60 ngày);

* Chế độ bệnh nghề nghiệp:

Để được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp, người lao động phải đảm bảo các điều kiện tại Điều 44 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

- Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại;

- Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh bệnh nghề nghiệp.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây