Bứt phá bằng các giải pháp phù hợp, hiệu quả

Thứ ba - 31/10/2017 04:11 415 0
Tại Diễn đàn Nông dân Việt Nam lần thứ 2 với chủ đề “Nông dân sẵn sàng cho nông nghiệp 4.0” diễn ra tại Hà Nội vào giữa tháng 10 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Việt Nam phải tiếp cận nông nghiệp 4.0 một cách bình tĩnh và thông minh trên cơ sở lựa chọn ngành hàng hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thân cho người nông dân và xã hội.

Cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa “4 nhà”- Nhà quản lý (chính quyền), nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông…

Xác định tiềm lực

Theo tính toán của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), để đảm bảo cho sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt tốc độ tăng bình quân 5-6%/năm, với chỉ số vốn đầu ra cho nông nghiệp dự kiến 3-3,5%, ước tổng nhu cầu đầu tư phát triển cho nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 khoảng 364.777 tỉ đồng; vốn cho phát triển nông nghiệp là một vấn đề nan giải, nên cần tạo ra phong trào khởi nghiệp trong nông nghiệp. 

Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu mỗi năm tăng thêm khoảng 10% số lượng doanh nghiệp nông nghiệp (giai đoạn 2017-2020); trong đó, doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo chiếm khoảng 20-30%. Bởi Chương trình quốc gia về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ thất bại nếu doanh nghiệp đứng ngoài cuộc. 

Hằng năm, Quốc hội cho phép sử dụng 2% GDP để đầu tư cho khoa học công nghệ, về lý thuyết phải có 3,6 tỉ USD, nhưng thực tế vốn đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao chiếm rất thấp. Khoa học nông nghiệp ở ĐBSCL được đầu tư rất khiêm tốn cả về nguồn nhân lực và tài lực. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất nông nghiệp đã gây ngạc nhiên trong khu vực ASEAN về năng suất, sản lượng với kinh phí nghiên cứu khoa học thấp hơn. 

Trình độ thâm canh của người nông dân ĐBSCL đang được mọi người ngưỡng mộ, nhưng chỉ diễn ra trên cánh đồng nhỏ bé của mình và đang bị chia cắt bởi thị trường lớn. Do vậy, tổ chức lại sản xuất là vấn đề cấp bách hiện nay, ruộng đất phải được tích tụ lại thành cánh đồng lớn, hợp tác xã… và cần một hệ thống giải pháp đồng bộ, phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với giải pháp đã được thực thi trong 30 năm qua.

GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, nguồn lực lao động trực tiếp phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao chính là nông dân. Đây là lực lượng tác động trực tiếp vào giống cây, con và hoạt động trên chính mảnh ruộng của mình. 

Thời gian qua, nhiều giống cây trồng và vật nuôi được nghiên cứu ra nhưng chưa đưa vào ứng dụng sản xuất nhiều cũng vì lực lượng lao động nông dân này chưa nắm bắt kỹ thuật, tìm hiểu thông tin học tập và đầu tư. Do đó, khi nông dân biết áp dụng thành quả nghiên cứu vào sản xuất, tỷ lệ thành công chiếm một nửa, phần còn lại là do doanh nghiệp liên kết hỗ trợ thêm công nghệ sản xuất và tiêu thụ, phân phối ra thị trường. 

Mặt khác, lực lượng lao động này phải biết tìm hiểu thông tin, cân nhắc khi sản xuất, không làm theo thói quen sản xuất tự phát, mà phải biết làm việc theo đơn đặt hàng, khoa học, hiệu quả. Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp chính là bước đệm để sản xuất ra cây, con giống cung ứng cho nông dân, từ đó tạo ra chuỗi giá trị với doanh nghiệp.

thumb 660 c0ad98df a48d 45bd bca7 bf9f22f6e27b
Cơ giới hoá thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Mạnh dạn đầu tư

Mặc dù chưa dấy lên phong trào mạnh mẽ, nhưng nhiều doanh nghiệp ĐBSCL đã mạnh dạn, tự tin xác định hướng đi mới và đã đạt được kết quả ban đầu đáng ghi nhận. Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) xây dựng mô hình nông nghiệp tri thức, xem trọng vai trò của khoa học công nghệ. Hiện Tập đoàn Lộc Trời bắt đầu có được những giống lúa do tập đoàn lai tạo như: Lộc Trời 1 nằm trong top 3 gạo ngon thế giới, Lộc Trời 2, Lộc Trời 3, Lộc Trời 4... 

Công ty TNHH SX-TM Phước Thành IV (Vĩnh Long) cũng đang triển khai dự án “Nghiên cứu phát triển công nghệ tiên tiến chế biến gạo chất lượng cao, sạch”, để phát triển dây chuyền công nghệ chế biến gạo khép kín, đổi mới công nghệ từ khâu tồn trữ, sấy, xay xát và ủ nguội, đến đóng gói để giảm chi phí sản xuất, nâng chất lượng gạo, tăng tỷ lệ thu hồi gạo thành phẩm.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để doanh nghiệp, đặc biệt là nông dân mạnh dạn đột phá đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật theo hướng công nghệ cao, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân hiểu công nghệ cao là gì, định hướng phát triển như thế nào. Các chuyên gia cho rằng, không nên để nông dân hiểu công nghệ là cái gì quá cao siêu mà để cho bà con tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao ở mức độ phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế của mình.

TS Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Kiên Giang khẳng định, để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời gian tới cần chú trọng đầu tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp gắn liền với hiệu quả kinh tế. 

Cụ thể, hoàn thiện chính sách, tạo hành lang pháp lí phát triển và hình thành các vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường vốn đầu tư công cho ngành nông nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thu hút vốn ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã quy hoạch. 

Tăng cường năng lực cho các tổ chức nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Tăng cường hợp tác quốc tế để trau dồi thông tin KH&CN, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, nhập khẩu các công nghệ và bí quyết công nghệ từ nước ngoài. 

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, tham gia thực hiện nhiệm vụ ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp thuộc Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đóng vai trò cụ thể trong mối liên kết sản xuất sản phẩm nông sản theo chuỗi, đáp ứng tiêu chuẩn quy chuẩn, phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

ĐBSCL đang thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị sản phẩm. Bộ NN&PTNT cho biết đã đề nghị Chính phủ giao Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN cùng các tỉnh, thành kết hợp với các thành phần kinh tế có chương trình cụ thể trong 5 năm 2018-2023 giải quyết căn cơ giống tốt cho 3 nhóm sản phẩm chính của vùng ĐBSCL là: thủy sản, cây ăn quả, lúa gạo. Vấn đề này rất quan trọng bởi theo các chuyên gia, tư duy nông dân có thay đổi nhưng không có giống tốt cũng khó đưa sản phẩm đi xa và cạnh tranh.

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây